Mô tả:
+ Tên miền: Chăm sóc người cao tuổi
+ Ý nghĩa: Làm dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
+ Tình trạng: chưa được lập website
+ Ngành nghề: Dịch vụ, việc làm
====================
Phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong xu thế xã hội già hóa
Từ năm 2011 Việt Nam đã chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số và được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi (NCT), nhiều dịch vụ chăm sóc cho nhóm đối tượng này đã phát triển song vẫn còn nhiều khoảng trống, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam là cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp để thích ứng với một xã hội già hóa.
Nhiều mô hình mới trong phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu NCT (là người đủ 60 tuổi trở lên), chiếm 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Với sự phát triển về y tế, khoa học kỹ thuật hiện nay, tuổi thọ trung bình nước ta đã tăng lên đáng kể và hiện là 74 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới khi dự báo đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi là khoảng 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số cả nước. Đến năm 2050, khi thế giới cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì ở Việt Nam cứ 4 người thì có 1 người 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Tuổi thọ trung bình của Việt Nam cũng sẽ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lên tới 78 tuổi vào năm 2030 và 80,4 tuổi vào năm 2050.
Tuổi thọ của người dân cao lên đi kèm với sự suy giảm sức khỏe của NCT ngày một tăng. NCT hiện nay thường phải đối mặt với những bệnh như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Đây là nhóm bệnh không lây nhiễm, nhưng số lượng những bệnh nhân của nhóm này ngày càng tăng và phải điều trị suốt đời. Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình gia đình hiện đại (hay còn gọi là gia đình hạt nhân - chỉ có 2 thế hệ) đang dần thay thế cho mô hình gia đình truyền thống (có từ 3 thế hệ trở lên), khiến cho số người thân chăm sóc cho người già cũng ít đi. Thực trạng này đã dẫn tới sự hình thành và phát triển các dịch vụ chăm sóc NCT, giúp họ được hưởng một cuộc sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Một trong những dịch vụ chăm sóc NCT đầu tiên được Việt Nam quan tâm và hướng đến là phát triển dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho NCT, trong đó trọng tâm là thành lập các bệnh viện lão khoa, khoa lão khoa. Theo đó, Bộ Y tế đã lập kế hoạch tổng thể tăng cường năng lực của hệ thống Lão khoa tại các địa phương trong cả nước, hướng tới chăm sóc toàn diện cho người bệnh là NCT tại bệnh viện. Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 1 Bệnh viện Lão khoa Trung ương và 100 khoa lão khoa được thành lập tại bệnh viện đa khoa của 49/63 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương với gần 1.800 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng, bàn khám riêng và có trên 8.000 giường điều trị ưu tiên cho NCT. Đáng chú ý là việc xây dựng bệnh viện lão khoa tại các địa phương bắt đầu được triển khai, giúp NCT hạn chế việc phải chuyển tuyến điều trị, giảm quá tải cho Bệnh viện Lão khoa Trung ương, từ đó giảm gánh nặng cho người bệnh và gia đình. Điển hình là vào tháng 8/2019 vừa qua, Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước khởi công xây dựng Bệnh viện Lão khoa với quy mô 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư 429 tỷ đồng, thời gian triển khai trong 2 năm (2019-2020). Dự án được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, cây xanh theo hướng thân thiện với môi trường, đảm bảo khí hậu và điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Cùng với đẩy mạnh phát triển hệ thống lão khoa trên cả nước, Bộ Y tế đồng thời hướng dẫn các trường đại học y thành lập bộ môn lão khoa để cung cấp nhân lực cho hệ thống này. Hiện nay đã có Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) thành lập được môn lão khoa, đào tạo chính nguồn nhân lực thầy thuốc lão khoa. Công tác đào tạo các điều dưỡng chuyên ngành lão khoa cũng sẽ được triển khai tại các trường cao đẳng ngành y trong thời gian tới. Mặt khác, ngành Y tế Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường nguồn nhân lực cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bác sĩ lão khoa. Ví dụ như chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực lão khoa giữa Bệnh viện Lão khoa trung ương với các bệnh viện, cơ sở đào tạo của Pháp và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã theo Thông tư 39/2017/TT-BYT, danh mục thuốc điều trị các bệnh tại tuyến y tế cơ sở được mở rộng nhằm tạo thuận lợi cho NCT trong khám và điều trị các bệnh mạn tính tại Trạm y tế xã, phương, thị trấn. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định rõ NCT được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện với nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB; đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu. Đặc biệt, NCT trên 80 tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Việc thực hiện quy định này đã tạo thuận tiện cho NCT trong việc khám, chữa bệnh BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho người bệnh (đặc biệt là NCT) và góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện, từ năm 2013 Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình (một mô hình có từ lâu tại các nước phát triển) theo Đề án Bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020. Thực hiện dịch vụ này đối với NCT, các bác sĩ gia đình sẽ hướng dẫn người thân trong gia đình cách chăm sóc NCT, giám sát NCT khi mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe không ổn định, chăm sóc NCT về vấn đề vệ sinh, ăn uống… Với những ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khám chữa bệnh, chất lượng bác sĩ tốt, dịch vụ bác sĩ gia đình được đánh giá là mô hình phù hợp và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Bên cạnh việc phát triển loại hình, chất lượng dịch vụ y tế thì phát triển bảo hiểm y tế đang được xem là một điểm tưa vững chắc cho NCT chăm lo sức khỏe của mình khi họ phải đối mặt với tình trạng bệnh tật gia tăng trong khi chi phí khám chữa bệnh là một gánh nặng. Theo thống kê, năm 2016 cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho 8,8 triệu NCT; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người (chưa bao gồm đối tượng NCT là thân nhân quân nhân do BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT). Hiện NCT đang chiếm trên 11% trong tổng số đối tượng tham gia BHYT. Chính phủ cũng đã có quy định người trên 80 tuổi sẽ được hỗ trợ mua BHYT. Để tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cho nhóm đối tượng này, các địa phương phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ đạt 100% NCT có thẻ BHYT, tiến tới nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ, ban đầu cho NCT.
Một mô hình khác trong chăm sóc NCT được phát triển ở Việt Nam trong những năm gần đây là nhà/ viện dưỡng lão. Mô hình này khá mới mẻ và được phân thành 3 nhóm sau: Nhóm thứ nhất là các cơ sở do các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, xây dựng, vận hành theo mô hình kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có lợi nhuận để tự duy trì hoạt động. Một số viện dưỡng lão thuộc nhóm này có thể kể đến là: Trung tâm dưỡng lão Thiên Phúc, Orihome, Nhà tuổi vàng, Trung tâm Phù Đổng, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng… Đây là những địa chỉ có cơ sở hạ tầng, khuôn viên thuận tiện cho người già sinh hoạt, nhân viên chăm có được tập huấn, đào tạo bài bản. Nhóm thứ hai là các cơ sở dưỡng lão từ thiện do các các nhân hoặc tổ chức tôn giáo (nhà chùa, giáo hội) đứng ra tổ chức, hoạt động theo mô hình thiện nguyện, kinh phí hoạt động do sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm. Nhóm thứ ba là các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, NCT thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ.
Qua thực tế hoạt động, mô hình nhà/viện dưỡng lão, đặc biệt là các cơ sở tư nhân đang mang lại một môi trường sống khá thoải mái và thuận lợi cho NCT và đang được nhiều gia đình lựa chọn.
Bên cạnh việc phát triển các cơ sở dưỡng lão, các địa phương đang đồng thời đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người già tại cộng đồng. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên của thành phố đã phối hợp cùng 3 trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội như tổ chức giao lưu văn hóa, dạy tập thể dục dưỡng sinh cho NCT…
… và những khoảng trống
Mặc dù vấn đề phát triển các dịch vụ chăm sóc NCT đã được quan tâm trong thời gian qua song thực tế cũng cho thấy lĩnh vực này còn nhiều khoảng trống. Trước hết, số lượng bệnh viện chuyên về lão khoa trên cả nước so với tỷ lệ NCT đang rất thiếu. Hiện nay, cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho NCT là Bệnh viện Lão khoa trung ương còn tại các địa phương, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Bên cạnh đó, tại các khoa lão khoa thuộc bệnh viện địa phương, hệ thống y tế chăm sóc riêng cho NCT hiện chưa đồng bộ ở các tuyến, trang thiết bị còn thiếu; đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu để điều trị và chăm sóc cho NCT còn mỏng, chủ yếu là hoạt động ghép với các chuyên khoa khác như: Thận, tim mạch, nội… Việc thiếu các chuyên khoa lão khoa và đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở đã phần nào ảnh hướng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT nước ta.
Mặc khác, mô hình bác sĩ gia đình cũng chỉ mới phát triển mạnh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh do người dân chưa hiểu và chưa tin, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, cơ sở thực hành cho chuyên ngành Y học gia đình chưa được xây dựng nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khỏe cho người dân chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, chưa có mẫu hồ sơ bệnh án phù hợp với mô hình và phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân của phòng khám bác sĩ gia đình.
Thêm vào đó, nhu cầu vào viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc NCT hiện rất lớn trong khi mạng lưới hệ thống dưỡng lão ở Việt Nam thiếu và yếu. Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc NCT, trong đó chỉ có 32 cơ sở chuyên biệt chăm sóc người già trên cả nước và các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là không đủ trung bình mỗi tỉnh thành một trung tâm. Các cơ sở chăm sóc NCT cũng chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và mức phí dịch vụ còn khá cao. Còn tại các địa phương, các trung tâm bảo trợ xã hội cũng dành một phần hoạt động để nuôi dưỡng, chăm sóc người già, tuy nhiên đối tượng chỉ là các cụ neo đơn, khó khăn, không nơi nương tựa. Hơn nữa, đội ngũ chăm sóc NCT tại nhiều cơ sở nhà/viện dưỡng lão chưa chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, đối với các cơ sở nhà/viện dưỡng lão do các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, xây dựng đều gặp khó khăn nhất định do các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đầy đủ và triệt để, việc thuế đất cũng như hỗ trợ vay vốn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các cơ sở dưỡng lão từ thiện có cơ sở vật chất thường không được khang trang, diện tích nhỏ, chủ yếu nuôi dưỡng những NCT cô đơn, không có người thân thích, lang thang, cơ nhỡ… Còn tại các cơ sở chăm sóc, điều người người có công, NCT thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ chủ yếu chăm sóc, điều dưỡng luân phiên mà không nhận nuôi dưỡng suốt đời và số lượng các cơ sở còn ít.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, một trong những nhiệm vụ đầu tiên ngành y Việt Nam đặt ra là sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc NCT. Cụ thể là đưa lão khoa vào danh mục ưu tiên, triển khai quyết liệt việc thành lập khoa lão khoa tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám cho NCT. Bên cạnh đó là tăng cường và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc NCT như: Phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; Khu chung cư dành cho người già; Mở thêm trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội cho NCT…
Bên cạnh mô hình viện dưỡng lão tập trung hiện nay, ngành y cũng sẽ quan tâm hơn cho việc nghiên cứu phát triển mô hình viện dưỡng lão bán trú (theo ngày) dành cho những NCT giống như nhiều quốc gia trên thế giới. Với mô hình này, NCT không bị tách rời khỏi gia đình, đời sống tinh thần thoải mái bởi họ sẽ được tham gia nhiều hình thức giải trí phù hợp như chơi cờ, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, tham gia câu lạc bộ thơ… song vẫn được sống cùng người thân.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống NCT còn hạn hẹp thì việc xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão, tham gia chuỗi dịch vụ chăm sóc NCT cũng là xu hướng tất yếu và được đẩy mạnh.
Hy với với những nỗ lực trên, các dịch vụ chăm sóc NCT tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, giúp nâng cao chất lượng dân số và giảm gánh nặng cho ngành y tế nước ta./.
Theo tạp chí consosukien
0 Nhận xét